Với mục đích triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, thông minh trong lĩnh vực An toàn và Vệ sinh lao động đến với người lao động, cán bộ quản lý, doanh nghiệp, công trường, nhà máy thuộc các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Trung tâm An toàn lao động thuộc Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã phối hợp với Công ty TNHH K&L Việt Nam và Công ty HuLan (Hàn Quốc) xây dựng, lắp đặt phòng đào tạo, giám sát an toàn thông minh về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đến nay, cơ bản phòng Đào tạo An toàn thông minh đã được triển khai đúng tiến độ và chất lượng. Sau thời gian bàn bạc và thảo luận về nội dung hợp tác giai đoạn 2023-2026, ngày 31/10/2023 Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm An toàn lao động và Công ty TNHH Thương mại K&L Việt Nam và Công ty HuLan được chính thức được tiến hành.
Tới dự buổi lễ ký kết Hợp tác, lắp đặt và Khai trương Phòng đào tạo an toàn thông minh có : Ông Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động; Ông Kim Choon Sang – Giám đốc công ty Hulan, Đại diện đơn vị cung cấp thiết bị, giải pháp; Ông Kim Hoseop – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại K&L Việt Nam, Đại diện Nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Đại diện Nhà quản lý, hỗ trợ kỹ thuật; Ông Phạm Hồng Long – Trưởng Ban An toàn tập đoàn Điện lực VN – EVN; Ông Mai Quang Hùng – Trưởng Ban An toàn Tổng công ty Điện lực Miền Bắc; Ông Lâm Văn Khánh – Giám đốc Công ty Kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng – INCOSAT; TS. Vũ Văn Thú – Trưởng khoa An toàn lao động và Sức khỏe nghề nghiệp, Đại học Công Đoàn; cùng đại diện của nhiều cơ quan báo chí và các cán bộ của các đơn vị tham ký kết và thực hiện thỏa thuận Hợp tác.
Trong bản thỏa thuận được công bố tại buổi lễ, ba bên cùng nhau ký thỏa thuận bao gồm: Bên A: Công ty Hulan, đại diện là ông Kim Choon Sang; Bên B: Công ty TNHH Thương mại K&L VN, đại diện là bà Lê Thị Thư; Bên C: Trung tâm An toàn lao động, đại diện là ông Nguyễn Anh Tuấn. Nội dung bản thảo thuận nêu rõ: Ba bên cùng nhau hợp tác cung cấp, lắp đặt, hướng dẫn đào tạo phòng học an toàn theo công nghệ AI tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Bên A có trách nhiệm cung cấp hướng dẫn, đào tạo phần mềm quản lý phòng học an toàn; Bên B có trách nhiệm cung cấp tư vấn, lắp đặt và phân phối hệ thống đào tạo phòng học an toàn trên phần mềm đến thị trường VN; Bên C có trách nhiệm hỗ trợ lắp đặt và quản lý đào tạo phòng học an toàn. Thời hạn thực hiện hiện thỏa thuận là 03 năm, từ 2023-2026.
Đại diện 3 bên ký thỏa thuận hợp tác lắp đặt phòng đào tạo an toàn thông minh
Nghi thức ký kết hợp tác giữa 3 bên được thực hiện long trọng với sự chứng kiến của Ông Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động; Ông Phạm Hồng Long – Trưởng Ban An toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN; Ông Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cùng toàn thể quan khách có mặt tại buổi lễ.
Các đại biểu cắt băng Khai trương Phòng đào tạo an toàn thông minh.
Sau khi ký kết thỏa thuận Hợp tác, các đại biểu đã tham gia cắt băng Khai trương và thăm quan, trải nghiệm Phòng đào tạo an toàn thông minh.
Hệ thống phòng Đào tạo An toàn thông minh bao gồm 02 modul chính: Modul giám sát an toàn thông minh và Modul Đào tạo Hiện thực ảo (VR) An toàn vệ sinh lao động.
Ông Kim Hoseop – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại K&L Việt Nam, Đại diện Nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam giới thiệu về Hệ thống giám sát an toàn thông minh.
Modul giám sát an toàn thông mình bao gồm các hệ thống thiết bị, camera, cảm biến hiện đại được lắp đặt trong phạm vi làm việc (nhà máy, công trường, vị trí làm việc) nhằm giám sát liên tục với các chức năng của hệ thống như: Cảnh báo người đi vào vùng làm việc nguy hiểm; Cảnh báo trạng thái làm việc không an toàn: người làm việc có sức khỏe không tốt, trạng thái vận động bất thường, …; Cảnh báo người lao động không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ an toàn, …; Đo kiểm, giám sát liên tục thông số môi trường, yếu tố có hại, yếu tố cháy nổ tại vị trí làm việc, kịp thời cảnh báo nếu vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép; Cảnh báo máy, thiết bị di chuyển trong không gian làm việc có khả năng nguy hiểm cho người vận hành và xung quanh; Giám sát, tương tác cảnh báo giữa vị trí làm việc và phòng điều khiển trung tâm; Thiết lập hệ thống cảnh báo an toàn di động tạo thành mạng lưới cảnh báo phù hợp với đặc thù mặt bằng, công nghệ sản xuất…
Ông Kim Choon Sang – Giám đốc công ty Hulan, Đại diện đơn vị cung cấp thiết bị và giải pháp hướng dẫn cách thức hoạt động của Hệ thống giám sát an toàn thông minh.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng ngừa tai nạn, sự cố đã và đang được triển khai thực hiện tại nhiều doanh nghiệp, nhà máy thông minh trên toàn thế giới. Rất nhiều giải pháp, sản phẩm tích hợp công nghệ cao đã được đưa vào sử dụng trong thực tiễn nhằm hỗ trợ lực lượng chức năng giám sát hành vi không an toàn, đảm bảo và giữ gìn trật tự an ninh trong nhà máy, công trường. Với đặc điểm diện tích rộng lớn, số lao động đông, những công trường, kho bãi, cảng biển, nhà máy luôn là nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, phức tạp. Để quản lý ATVSLĐ một cách thuận tiện hơn, các doanh nghiệp nên đầu tư hệ thống giám sát an toàn, cùng với hệ thống giám sat an ninh – một yếu tố quan trọng trong xây dựng các doanh nghiệp thông minh ở Việt Nam.
Hệ thống giám sát an toàn thông minh là hệ thống ứng dụng công nghệ giám sát camera tập trung, có tích hợp tính năng phân tích video thông minh để cung cấp giải pháp giám sát toàn, an ninh cho khu vực sản xuất, xây dựng, cơ sở hạ tầng trọng yếu và những điểm nóng về mất an toàn, an ninh, như: Trên các công trường xây dựng, cảng biển, kho xăng dầu, tuyến truyền tải điện, trạm biến áp lớn, nhà máy sản xuất diện tích rộng, nơi làm việc khuất tầm quan sát, giám sát bằng mắt thường… Hệ thống thu thập dữ liệu video và dữ liệu phân tích từ nhiều nguồn camera, đầu ghi hình, hệ thống quản lý video có sẵn, sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh để phân tích, phát hiện và cảnh báo về sự cố, hành vi mất an toàn, sức khỏe người lao động, vận hành không đảm bảo, hoặc đối tượng liên quan đên an ninh trật tự.
Trí tuệ nhân tạo tích hợp trong camera giám sát được huấn luyện để phát hiện những sự cố, tai nạn bất thường có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh trật tự của công trường, nhà máy, nơi làm việc. Hệ thống giám sát an toàn có khả năng liên kết với trung tâm điều hành thông minh của tỉnh thành hoặc hệ thống thông tin của các ban ngành và cơ quan chức năng để tham gia vào bảo vệ an toàn, an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Đại diện Nhà quản lý, hỗ trợ kỹ thuật hướng đẫn khách tham quan trải nghiệm công nghệ VR giả định các tình huống trong thực tế sản xuất tại phòng Đào tạo hiện thực ảo
Modul Đào tạo hiện thực ảo (VR): Thực tế ảo (Virtual Reality – VR) là một môi trường không gian ba chiều được giả lập bằng máy tính nhằm mô phỏng lại thế giới thực. Trong môi trường mô phỏng đó, con người có thể khám phá kịch bản ảo tương tự với kịch bản của thế giới thực, nghĩa là không chỉ quan sát mà còn có khả năng tác động và nhận phản hồi trong thời gian thực.
Khi nghiên cứu các ứng dụng của VR, cần nhấn mạnh đến ba đặc điểm chính của công nghệ này, đó là tính tương tác (interactive), tính đắm chìm (immersion) và tính tưởng tượng (imagination). Tính tương tác là khả năng người dùng giao tiếp với hệ thống, cho phép họ điều khiển hoặc làm thay đổi trạng thái của môi trường ảo bằng hành động, lời nói, ánh mắt… Tính đắm chìm là cảm giác như đang có mặt trong thế giới ảo hoặc là một phần của thế giới ảo do máy tính tạo ra và hoà lẫn vào thế giới đó. Tính tưởng tượng liên quan đến việc giải quyết các vấn đề trong thế giới thực, chẳng hạn người dùng tưởng tượng như đang điều khiển các thiết bị y tế, quân sự,… Với những đặc tính như vậy, VR đã được những người làm trong ngành giáo dục nghiên cứu ứng dụng và thực sự đã mang đến những nét khác biệt cho công tác giảng dạy và học tập nói chung và trong đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ nói riêng sẽ có nhiều ý nghĩa.
Công nghệ VR trong ATVSLĐ sẽ cho phép xây dựng các kịch bản, tình huống mất an toàn trong thực tế lao động, sản xuất. Học viên sẽ có điều kiện để trải nghiệm làm việc trong điều kiện môi trường, tình huống mất an toàn trong không gian ảo. Thông qua công nghệ này sẽ vẫn đáp ứng được yêu cầu về thực hành tình huống, vẫn đảm bảo an toàn cho người học và người huấn luyện, …
Hiện tại, Modul đào tạo hiện thực ảo (VR) về ATVSLĐ hiện được triển khai với 10 kịch bản tình huống công việc nguy hiểm trong thực tế sản xuất: Tình hướng tai nạn trong sử dụng giàn giáo; Tình huống bị vật rơi; Tình huống tai nạn ngã cao khi làm việc thi công khung nhà công nghiệp; Tình huống tai nạn bị sập đổ nhà trong thi công xây dựng; Tình huống làm việc trong vùng nguy hiểm của máy, thiết bị; Tình huống thực hành sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; ….
Với những kịch bản trải nghiệm thực tế ảo nêu trên, Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động sẽ phối hợp với các cơ sở huấn luyện An toàn, vệ sinh lao động bổ sung nội dung trải nghiệm trên môi trường ảo cùng với các nội dung lý thuyết và thực hành khác trong quá trình triển khai các khóa huấn luyện An toàn, vệ sinh lao động. Đây sẽ là những nội dung thiết thực, hấp dẫn,có tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần tăng tính trải nghiệm thực tế các tai nạn, sự cố có thể xảy ra trong quá trình làm việc, đồng thời là một trong những nội dung đổi mới cách thức, phương pháp huấn luyện An toàn, vệ sinh lao động bằng cách ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ATVSLĐ.
Nguồn tin: Báo điện tử Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.