An toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng: Vì đâu tai nạn kéo dài?

Những năm qua, lĩnh vực xây dựng cơ bản luôn được coi là ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động (TNLĐ) và thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng. Đằng sau mỗi vụ TNLĐ, không chỉ là thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức mà còn là những nỗi đau mất người thân, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì sao tình trạng này vẫn kéo dài và trách nhiệm trước tính mạng con người ở đâu?

 

Gian nan đời thợ

Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, Hà Nội như một công trường với sự tham gia của hàng vạn công nhân, thợ nề, thợ phụ. Hơn 12 giờ trưa, giữa cái nắng đổ lửa của mùa hè, hàng chục công nhân xây dựng tại một công trình ở khu vực Kim Giang, quận Thanh Xuân vẫn miệt mài làm việc. Tiếng ồn từ máy cắt, máy trộn bê tông, máy khoan át hẳn tiếng người.

Anh Đức Hải (quê ở Hải Dương), làm công nhân xây dựng được gần 5 năm, gia đình có 4 người nhưng chỉ có 2 sào ruộng nên anh phải rời quê đi làm công nhân để có thêm tiền nuôi các con ăn học. Nỗi vất vả của anh Hải dường như hằn rõ trên khuôn mặt đen sạm, “Mấy hôm nay phải “tăng ca” để bảo đảm tiến độ công trình. Theo cái nghề này khổ lắm. Xách vữa, kéo gạch, vác xi măng… việc gì cũng làm hết. Tối về đến lán trọ, người rã rời. Nhưng nếu không bám việc, với trình độ phổ thông như mình thì cũng chẳng biết làm gì”, anh Hải chia sẻ. Công trình đang chạy đua với thời gian để hoàn thành tiến độ nên mấy hôm nay bữa trưa của nhóm công nhân được phục vụ ngay tại công trường. Suất ăn chủ lực vẫn là cơm, thức ăn là ít rau và mấy miếng thịt. Ai nấy lùa vội bát cơm, rồi lại tiếp tục công việc.

Thông thường, mỗi ngày công nhân ở đây làm 8 tiếng. Thu nhập chính là tiền lương, nhưng nếu tăng ca sẽ có thêm một khoản, tiết kiệm để dành gửi về quê. Tại Khu đô thị Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, nhóm thợ hồ của chị Dương Thị Lan đang tất bật bên ngôi nhà xây đến tầng 4. Chị quê ở Nam Định, chồng mất sớm. 45 tuổi đời, chị đã có thâm niên tuổi nghề phụ hồ ngót hai chục năm. Từ ngày theo nghề, có khi cả tháng chị mới về quê thăm con đang gửi ông bà ngoại chăm sóc. Làm việc nặng nhọc cả ngày trong thời tiết khắc nghiệt, nhưng sau mỗi ngày lao động vất vả, họ lại trở về với những dãy lán trại xập xệ được dựng tạm bợ bên công trình. Nhà vệ sinh không có, chỗ tắm rửa cũng không. Thiếu thốn những điều kiện sinh hoạt tối thiểu khiến cuộc đời những người thợ xây càng thêm lay lắt.

Không chỉ vất vả, người công nhân cũng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy do tình trạng mất an toàn lao động. Còn đó những nỗi đau với chính người công nhân và gia đình họ.

Trong lúc đang làm việc trên công trường xây dựng, anh Vũ Đăng Huy, ở ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa không may gặp tai nạn qua đời để lại vợ và hai con nhỏ. Nỗi đau chưa nguôi thì một năm sau đó, vợ anh là chị Dương Thị Huyền, làm nghề thợ phụ hồ xây dựng, trong khi đang trộn vữa trên tầng 3 trượt chân ngã, bị chấn thương sọ não, gãy cổ, dập lồng ngực và cũng ra đi sau đó. Đã nhiều năm trôi qua sau vụ tai nạn nhưng hai anh em Vũ Đăng Hùng và Vũ Hải Yến vẫn không thể quên nỗi đau mất bố, mất mẹ.

Kể từ ngày người con trai Nguyễn Văn Thi (25 tuổi) bị TNLĐ, gia đình ông Nguyễn Duy Lệ, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội phải xếp vào diện hộ nghèo của xã. Sau khi bị ngã giàn giáo khi đang làm việc tại một công trình xây dựng, trải qua nhiều đợt phẫu thuật tuy thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng anh đã phải chịu di chứng bị liệt toàn thân. “Đã có lần cháu đập đầu vào tường định tự tử vì không muốn là gánh nặng, nỗi đau của cả gia đình” – ông Lệ ngậm ngùi.

Thờ ơ trước tính mạng con người

Tìm hiểu hàng loạt vụ tai nạn lớn trong lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội như: Vụ sập giàn giáo tại công trường Mulberry Lane (Khu đô thị Mộ Lao, quận Hà Đông) tháng 2-2012 làm 5 công nhân bị thương nặng, trong đó 1 người đã tử vong; vụ 2 công nhân qua đời trong lúc làm việc do rơi từ tầng 18 tòa nhà Nam Đô phường Trương Định, quận Hoàng Mai tháng 11-2012; vụ rơi thang máy ở Khu đô thị Đại Thanh tháng 5-2013 làm 3 công nhân tử vong; gần đây nhất là vụ rơi thang ở công trình xây dựng văn phòng làm việc thuộc Trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai tháng 12-2015 làm 3 người chết… Điểm chung trong các vụ tai nạn này là thiết bị không bảo đảm an toàn (sập giàn giáo, rơi thang máy), người lao động không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nên bị rơi từ trên cao xuống đất…

Vì sao các doanh nghiệp sử dụng lao động thờ ơ với tính mạng con người? Điều tra của phóng viên cho thấy lĩnh vực xây dựng đứng đầu về số vụ TNLĐ cũng là bởi có nhiều doanh nghiệp xây dựng bán thầu, cho mượn pháp nhân, hoặc sử dụng cai thầu và khoán trắng công tác an toàn cho các cai thầu. Các nhà thầu phụ nhận việc qua nhiều trung gian với giá thấp, phải tiết kiệm chi phí tối đa nên không chú ý đến an toàn lao động.

Nhiều trường hợp khác lại do doanh nghiệp, nhà thầu chưa thực sự nhận thức đúng và quan tâm đến công tác giám sát, huấn luyện, trang bị kiến thức về an toàn lao động. Ví như công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông từng xảy ra tai nạn sập giàn giáo, thanh sắt rơi từ công trình làm chết người… nhưng quan sát việc thi công tại đoạn Hào Nam – Cát Linh, công nhân đứng trên đỉnh cột chữ T khoan phá bê tông mà không hề có đai an toàn…

Những công trình lớn đã vậy, với những công trình nhỏ lẻ hay các công trình dân sinh thì vấn đề an toàn lao động hầu như bị bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, không chỉ chủ thầu thờ ơ, buông lỏng quản lý mà chính người lao động cũng chủ quan với sự an toàn của chính mình. Tại một công trình ở các phố Lê Trọng Tấn, Trường Chinh…, nhiều thợ xây dựng làm việc không trang phục bảo hộ lao động, không đội mũ bảo hộ. Như chia sẻ của anh Hải, một công nhân đang làm việc tại công trường thì: “Chủ thầu trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho anh em. Tuy nhiên, do nắng nóng nên một số anh em không muốn mang vì cảm thấy vướng víu”. Anh Hải cũng thừa nhận, phần lớn thợ xây ít được đào tạo bài bản, không được trang bị kiến thức cũng như những kỹ năng cơ bản về an toàn lao động.

Ông Phan Văn Mậu, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, những năm gần đây nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình xây dựng ở Hà Nội tăng cao, thu hút nhiều người lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Phần lớn trong số này là lao động tự do, chưa được đào tạo bài bản, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức về an toàn lao động.

Còn ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ LĐ-TB&XH thì chia sẻ có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, nhưng chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động và người lao động chưa có nhận thức đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Năm 2015 Bộ LĐ-TB&XH nhận được 238 biên bản điều tra TNLĐ chết người. Kết quả cho thấy, nguyên nhân do người sử dụng lao động (không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị, điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn; không huấn luyện, trang bị phương tiện bảo vệ an toàn lao động cho người lao động) chiếm tới 52,8%; nguyên nhân do người lao động (vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện cá nhân) chiếm 18,9%.

Người sử dụng lao động thờ ơ với việc bảo đảm an toàn tính mạng con người, bản thân những công nhân thì vừa thiếu hiểu biết, vừa chủ quan với chính sự an toàn của mình. Hệ quả là xã hội phải chứng kiến và gánh chịu nhiều nỗi đau lẽ ra không đáng có.

Comments

Comment facebook
Scroll